1. Landes, David S. - Sự giàu và nghèo của
các dân tộc / David S. Landes ; Vũ Hoàng Linh, Sơn Phạm dịch. - Hà Nội : Tri thức,
2020. - 886 tr. ; 24 cm.
KHPL : 330.16 L256D 2020
David
S. Landes (1924-2013) là một trong những nhà sử gia kinh tế xuất sắc thời hậu
chiến của Mỹ. Ông là giáo sư danh dự môn lịch sử và kinh tế học tại Đại học
Harvard, ông cũng từng giảng dạy ở nhiều đại học hàng đầu ở Mỹ và châu Âu. Bằng
sự kết hợp hoàn hảo giữa kinh tế học và lịch sử, David S. Landes đã cho ra đời
nhiều công trình nghiên cứu tiêu biểu và có tầm ảnh hưởng lớn, trong số đó phải
kể đến tác phẩm“Sự giàu và nghèo của các dân tộc”.
Cuốn
sách “Sự
giàu và nghèo của các dân tộc” của David S. Landes, là một công trình lịch sử vĩ đại về vấn đề
nổi lên của sự phân chia giàu và nghèo hiện nay giữa các quốc gia trên thế giới.
Tác phẩm là một bức tranh có tầm bao quát cực kỳ rộng lớn và sáng suốt khác thường.
Gần 900 trang và 29 chương, sách mang đến lượng thông tin đồ sộ từ sự bất bình
đẳng của địa lý tự nhiên đến sự phát triển theo thời gian của mỗi khu vực trên
thế giới. Qua đó, bạn đọc sẽ có dịp tìm hiểu và so sánh sự phát triển của châu
Âu và Trung Quốc, sự bức phá rồi thụt lùi của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, sự nổi
lên của Anh, sự học hỏi của Nhật Bản, sự vươn lên của Bắc Mỹ và thụt hậu của
Nam Mỹ, vv … và đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp ở Anh, điều tạo nên sự bức
phá về kinh tế toàn cầu. Tất cả đã đưa tác phẩm trở thành một công trình khảo cứu
bậc thầy về những thành công lớn và thất bại lớn trong các nền kinh tế ghi vào
lịch sử thế giới.
Bằng
lối tư duy khoa học chặt chẽ và khách quan, cuốn sách“Sự giàu và nghèo của các dân tộc”
của David S. Landes là một tài liệu tham khảo quý giá từ các chuyên gia
đến các nhà hoạch định chính sách. Thông qua ý thức tìm hiểu thấu đáo nguyên do
tạo nên sự giàu, nghèo của các quốc gia, dân tộc để đưa ra các phương thức hiệu
quả nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo này trong phạm vi phù hợp. Đây sẽ là
chìa khóa mở ra một thế giới bình ổn hơn, có lợi hơn, văn minh hơn cho tất cả mọi
người.
2.
Thucydides. - Lịch sử chiến tranh
Peloponnese : cuộc chiến lừng danh giữa Athens và Sparta hơn 2500 năm trước =
The history of the Peloponnesian War / Thucydides ; Takya Đỗ, Nguyễn Chí Hoan,
Nguyễn Chí Hiếu dịch. - Hà Nội : Thế giới, 2017. - 751 tr. ; 24 cm.
KHPL
: 938.05 T532 2017
Thần thoại Hy Lạp cũng như sử thi
Iliad và Odyssey của Homer đã trở thành những kiệt tác cung cấp nhiều kiến thức
chung cho nhân loại và là những tác phẩm văn học quen thuộc với bạn đọc Việt
Nam. Tuy nhiên chưa có nhiều người biết đến một tác phẩm xuất sắc không kém
phần nổi tiếng của tác giả Thucydides, đó là “Lịch sử chiến tranh Peloponnese”. Đây là cuộc chiến tranh diễn ra từ năm 431 đến
404 TCN, giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại do hai thành bang Sparta và Athens
đứng đầu và kết quả là Athens thất bại.
Với “Lịch sử chiến tranh Peloponnese”,
bằng bút pháp tài năng vượt trội của một nhà sử học, Thucydides (460-400 TCN)
đã trở thành một hiện tượng đặc biệt trong sử học cổ đại, ông đã vượt lên trên
nhiều tác giả khác về tính chân thực của sử liệu và phương pháp nghiên cứu sử
liệu. Hình ảnh của ông thường xuất hiện trong tác phẩm như là một nhân chứng, một
người trực tiếp tham gia vào diễn biến của cuộc chiến tranh. Quan niệm viết sử
của ông được xem là đỉnh cao của sử học Hy Lạp thời cổ đại bấy giờ. Thành tựu ông
đạt được không chỉ ảnh hưởng đến các sử gia thời cổ đại mà còn ảnh hưởng không
nhỏ đến giới sử học phương Tây thời cận hiện đại. Đó không chỉ là một tác phẩm
lịch sử mà còn được xem là một tác phẩm kinh điển của chính trị học và quan hệ
quốc tế. Thành công vang dội đó đã giúp Thucydides trở thành cha đẻ của “lịch
sử khoa học” và “chủ nghĩa hiện thực chính trị”, là một trong những nhà sử học có
tầm ảnh hưởng nhất lịch sử.
Có thể nói, cuốn sách gồm 8 quyển và có
tuổi đời gần 2.500 năm này là một công trình lịch sử vĩ đại mà sử gia Thucydides
để lại cho hậu thế. Hiện nay tác phẩm đã trở thành tài liệu nghiên cứu ở nhiều
trường đại học và trường quân sự tiên tiến trên thế giới. Thucydides đã góp
phần biến lịch sử Hy Lạp trở thành một phần không thể thiếu được của lịch sử
thế giới.
3. Bana, Alabed. - Nguyện ước yêu thương
= Dear world / Bana Alabed ; Bùi Thị Ngọc Hương dịch. - Hà Nội : Thế giới,
2019. - 206 tr. ; 21 cm.
KHPL : 956.91042 B212A
2019
Syria được biết đến là một quốc gia đang gánh chịu
những ảnh hưởng nặng nề của cuộc nội chiến khơi nguồn từ tháng 3 năm 2011. Bom
đạn, khủng bố, chết chóc và hủy diệt đã khiến cho cuộc sống thanh bình của
người dân Syria phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian”. Tuy nhiên ở nơi ấy
vẫn “đong đầy yêu thương”, vẫn tồn tại những khát vọng được sống, khát khao hòa
bình và mơ ước về một tương lai tương sáng bất chấp sự tàn khốc đến nghiệt ngã
của thực tại. “Nguyện ước yêu thương” là một cuốn sách như thế về ước vọng
được sống trong hòa bình, giữa vòng tay ấm áp của gia đình, người thân của
người dân Syria.
Ở độ tuổi cắp sách đến trường, cô bé Bana Alabed – tác
giả của cuốn sách, đã không được tận hưởng cuộc sống bình yên, trong sự dạy dỗ
tận tình của thầy cô như bao đứa trẻ khác trên thế giới. Em luôn phải mặc những
bộ áo quần phủ đầy màu bụi xám của sự hoang tàn, màu da lấm lem vết đỏ của máu
đổ dưới bầu trời tràn ngập khói vàng nghệ của thuốc súng và bom nổ. Cuộc sống
tuổi thơ của cô bé gắn liền với hình ảnh những quả bom lúc nào cũng chực chờ
dội xuống, quân đội thì lăm le những khẩu súng to đùng trên tay và sẵn sàng
nhắm vào những người có ý định trốn khỏi đất nước đang lâm vào cảnh nguy khốn
của chiến sự.
“Nguyện ước yêu thương” như là những thước phim phản ánh một
cách chân thật cuộc sống cũng như tình hình cuộc nội chiến ở Syria thông qua
suy nghĩ già dặn, chín chắn như một người trưởng thành của cô bé bảy tuổi Bana
Alabed. Đặc biệt, thông qua những dòng thư đong đầy yêu thương và dạt dào cảm xúc
mà mẹ cô bé dành cho em, bạn đọc thấy được tình thương yêu gia đình vô bờ bến
vẫn luôn hiện hữu mãnh liệt bất chấp bom đạn tàn khốc. Qua đó, giúp bạn đọc có
được những cảm thông sâu sắc với tấn bi kịch của người dân Syria và ngậm ngùi
trước cảnh tàn khốc mà chiến tranh gây ra cho đất nước này, đồng thời trân quý
hơn cuộc sống yên bình đang được tận hưởng.
4. Yunus, Muhammad. - Thế giới ba không
: kinh tế học của không
nghèo đói, không thất nghiệp và không ô nhiễm = A world of three zeros /
Muhammad Yunus ; Vũ Thái Hà dịch. - Hà Nội : Thế giới, 2019. - 246 tr. ; 24 cm.
KHPL : 338.9 Y956M 2019
Muhammad Yunus là
nhà kinh tế học người Bangladesh. Ông là người làm phổ biến khái niệm tín dụng
vi mô (cho người dân rất nghèo vay các khoản tín dụng nhỏ) và là người sáng lập
Ngân hàng Grameen. Năm 2006, ông được đồng trao tặng Giải Nobel Hòa Bình. Năm
2008 tạp chí Foreign Policy xếp ông ở vị trí thứ hai trong danh sách 100 nhà tư
tưởng toàn cầu. Ngoài công việc chuyên môn, Muhammad Yunus còn viết sách về
kinh tế với nhiều đầu sách đã được xuất bản, tiêu biểu trong số đó có cuốn sách
“Thế
giới ba không”.
“Thế
giới ba không” là
một cuốn sách được tác giả Muhammad Yunus
viết dành cho thế hệ trẻ, những người sẽ xây dựng nên một nền văn minh mới.
Nội dung sách được tác giả đề cập đến ba vấn đề nhức nhối nhất của cuộc sống hiện
nay đó là nghèo đói, thất nghiệp và ô nhiễm môi trường. Đồng thời tác giả đã
đưa ra một tầm nhìn khác để giải quyết những vấn đề lớn đó của nhân loại đương
đại. Ông chỉ ra rằng thay đổi cách các doanh nghiệp vận hành đến thay đổi cách
tư duy về định nghĩa làm việc của mỗi người; cam kết giải quyết các vấn đề về
môi trường từ doanh nghiệp đến mỗi cá nhân là những cách thức để đặt lại những
vấn đề trong cuộc sống. Hầu hết các giải pháp này đều có thể gia tốc bằng việc
xây dựng một trật tự kinh tế mới, với công cụ mạnh mẽ là doanh nghiệp xã hội.
Bằng
cách phân tích, lối tư duy của một nhà kinh tế học dày dạn kinh nghiệm trong giảng
dạy và nghiên cứu, Muhammad Yunus đã đem đến cho bạn đọc những cách tiếp cận rõ
ràng, cụ thể về những mặt trái của thời đại công nghệ. Từ đó, giúp các bạn trẻ thấy
được trách nhiệm của bản thân đối với tương lai của nhân loại. Những người có
khả năng tạo ra một nền văn minh mới thoát khỏi cái bóng của đói nghèo, thất
nghiệp và sự xuống cấp của môi trường.
5.
Carson, Rachel. - Mùa xuân vắng lặng
: tác phẩm kinh điển khởi xướng phong trào bảo vệ môi trường chấn động toàn thế
giới = Silent spring / Rachel Carson ; Nhóm dịch Khánh An dịch. - Hà Nội : Thế
giới, 2018. - 353 tr. ; 24 cm.
KHPL : 363.7384 C3212R 2018
Rachel
Carson (1907-1964) là nhà động vật học, nhà nghiên cứu sinh vật biển người Mỹ
và là người ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường. Bà đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng,
đưa danh tiếng của mình trở thành tác giả hàng đầu trong dòng sách viết về giới
tự nhiên, trong đó có “Mùa xuân vắng lặng”. Đây
là tác phẩm không chỉ giúp khởi xướng nên phong trào bảo vệ môi trường mạnh mẽ,
mà còn là tiền đề cho việc ra đời nhiều bộ luật và cơ quan kiểm soát chặt chẽ về
môi trường sau này.
“Mùa
xuân vắng lặng” là một cuốn sách được Rachel Carson đăng
nhiều kỳ trên tờ New Yorker và chính thức xuất bản lần đầu vào năm 1962, được
xem như tác phẩm kinh điển khởi đầu cho những phong trào bảo vệ môi trường trên
toàn thế giới. Ngoài việc phân tích những câu chuyện thực tế, tác phẩm được viết
với văn phong dễ hiểu, dễ tiếp cận trong việc mô tả các loại thuốc trừ sâu làm
thay đổi chu kỳ tế bào của cây cối, động vật và ngay cả con người. Bên cạnh đó,
tác giả cũng khéo léo so sánh hóa chất độc hại với chất thải phóng xạ, một chủ
đề khá cấp thiết với đại chúng lúc bấy giờ, gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội
Mỹ. Đặc biệt, Rachel Carson không chỉ nhấn mạnh những tác hại về môi trường của
thuốc diệt sinh vật gây hại mà còn đề xuất những thay đổi cần thiết về mặt
chính sách.
Đánh
dấu một thời khắc quan trọng trong lịch sử Mỹ về vấn đề môi trường, những dẫn
chứng và lập luận của “Mùa xuân vắng lặng” là bài học trường
tồn cho lịch sử. Đây không chỉ là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về môi trường, mà còn
là một phong trào dân sự hiệu quả. Ở đó, hệ thống vận hành chặt chẽ của chủ
nghĩa tư bản giữa chính phủ và ngành công nghiệp đã bị lung lay. Theo nghĩa đó,
“Mùa
xuân vắng lặng” còn nguyên giá trị xã hội khi tiếp tục vẫn làm kim chỉ
nam liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và bảo tồn tự nhiên, đặc biệt với những
quốc gia đang phát triển vẫn loay hoay với chính sách về môi trường.
Trân
trọng giới thiệu!