GIỚI THIỆU SÁCH VỀ HOÀNG SA - TRƯỜNG SA
Thân chào các bạn,
Hiện nay, vấn đề biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa đang là một vấn đề nóng bỏng. Để giúp cho các bạn hiểu hơn về chủ quyền của Hoàng Sa - Trường Sa, TVTT xin giới thiệu đến các bạn một số tài liệu viết về vấn đề này và hiện đang lưu trữ tại TVTT:
1.
Chủ quyền biển đảo Việt Nam / Nhiều
tác giả. – Hà Nội : Thanh niên, 2012.
Hoàng
Sa – Trường Sa và tranh chấp trên Biển Đông vẫn đang là vấn đề nóng bỏng được
nhiều dư luận quan tâm. Để giúp độc giả có được những nhìn nhận rõ hơn về quá
trình xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo, cũng như tiềm năng
phát triển kinh tế biển, Thư viện Trung tâm trân trọng giới thiệu tới quý độc
giả bộ sách “Chủ quyền biển đảo Việt Nam”, do nhà xuất bản Thanh niên phát
hành.
Bộ
sách “Chủ
quyền biển đảo Việt Nam” gồm 10 tập: Toàn cản biển đảo Việt Nam, Một số
vấn đề trong chiến lược biển Việt Nam, Hỏi đáp về biển đảo Việt Nam, Thiên hùng
ca bất tử đường Hồ Chí Minh trên biển, Trường Sa vang mãi bản hùng ca, Nhừng
người giữ niềm tin cho biển, Đây biển Việt Nam, Những hòn đảo ngọc Việt Nam, Cảng
biển Việt Nam, Hải đăng Việt Nam – Mắt thần canh biển.
Nội
dung bộ sách nhằm phổ biến những kiến thức cơ bản về Luật Biển quốc tế và hệ thống
pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta; những cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền
của Việt Nam đối với các quần đảo trên biển Đông (đặc biệt 2 quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa), khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết
tranh chấp; tuyên truyền ý nghĩa nội dung, kết quả thực hiện các văn bản pháp
lý về biển, đảo Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng, các nước có liên
quan; tuyên truyền giáo dục cho toàn dân nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ
gìn chủ quyền biển, đảo của tổ quốc, góp phần giữ gìn hòa bình, hợp tác hữu nghị
và phát triển giữa các quốc gia vùng biển Đông; giới thiệu những thành tựu phát
triển kinh tế biển, đảo của từng địa phương, các ngành và cả nước; vai trò các
thành phần kinh tế tham gia tích cực vào phát triển kinh tế biển, đảo; chú trọng
tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, an
sinh – xã hội, đảm bảo giữ gìn an ninh và chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ
quốc; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân đối với
các chiến sỹ, các lực lượng đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo;
bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.
Ngoài
ra, bộ sách cũng giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch biển đảo, đó là những
hòn đảo du lịch nổi tiếng, các loại hải đăng cổ kính, những vịnh biển đẹp nhất
của Việt Nam…Hy vọng bộ sách sẽ mang lại những kiến thức bổ ích cho những ai
quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về chủ quyền và biển đảo Việt Nam.
Trân
trọng giới thiệu cùng độc giả!
2.
Hoàng Sa, Trường Sa trong vòng tay
tổ quốc / Hồng Châu, Minh Tân tuyển chọn, giới thiệu.- Hà Nội : Giáo dục Việt
Nam, 2013.- 311 tr. ; 24 cm.
Hoàng
Sa và Trường Sa là hai quần đảo nằm giữa Biển Đông, như tấm lá chắn cho các dải
đất liền dọc bờ biển nước ta từ Quảng Trị đến Cà Mau. Đó là hai quần đảo mà cha
ông chúng ta đã chiếm hữu thật sự, chiếm hữu liên tục và hòa bình cách đây hàng
mấy trăm năm. Đó là lãnh thổ mà các thế hệ người Việt nối tiếp nhau vượt qua
dông bão đến với đại dương để khám phá, khai khẩn những vùng đất mới, tạo nên
hình dáng Tổ quốc hôm nay. Và, đó cũng là nơi thể hiện khát vọng vươn xa, ý chí
kiên cường của dân tộc Việt Nam mà thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm
bảo vệ, gìn giữ, phát huy.
Biết
được cuộc sống của ngư dân và người chiến sĩ ở Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và
nơi biển đảo nói chung, chúng ta sẽ ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với
những con người đất Việt đang kiên cường bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất
nước. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tuyển chọn các bài báo và tư liệu viết
về cuộc sống của người dân đất Việt nơi đầu sóng ngọn gió và những hoạt động kết
nối nghĩa tình, thấm đượm ý nghĩa nhân văn cao đẹp trong mấy năm gần đây đã được
đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức biên soạn bộ sách “Hoàng
Sa, Trường Sa trong vòng tay tổ quốc”. Bộ sách gồm hai tập:
Tập 1: Nơi đầu sóng ngọn
gió
Tập 2: Nghĩa tình cả nước
với Hoàng Sa, Trường Sa.
Người
dân Việt Nam sinh sống và làm ăn nơi đầu sóng ngọn gió ở hai quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa, dù là chiến sĩ hay những ngư dân đều phải đối mặt từng giờ từng phút
với biết bao thử thách, hiểm nguy rình rập. Họ trở thành biểu tượng của đức quả
cảm hi sinh trong chiến đấu và lao động, không ít người vì chủ quyền Tổ quốc đã
vĩnh viễn ra đi, hóa thân vào hồn thiêng đất nước. Hy vọng bộ sách sẽ cho chúng
ta hiểu rõ hơn về những con người như vậy.
3.
Lê Văn Chương. - Như cây phong ba
trên đảo Hoàng Sa / Lê Văn Chương.- TP. Hồ Chí Minh : Trẻ, 2013.- 295 tr. ; 23
cm.
Hoàng
Sa và Trường Sa nằm giữa biển Đông, ở một vị trí mang tầm chiến lược cả về kinh
tế và quân sự. Với nguồn lợi biển to lớn, ngày càng có sức hút với nhiều quốc
gia trong thời đại mà nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị cạn kiệt. Vì vậy,
trong bốn thập niên gần niên đây, Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành điểm nóng
của khu vực Biển Đông, với biết bao công trình nghiên cứu, đề cập đến với nhiều
khía cạnh.
“Như
cây phong ba trên đảo Hoàng Sa” là một khía
cạnh với tập hợp các câu chuyện kể về ngư dân và người dân sống trên hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, bộ đội biên phòng, đặc biệt là ngư dân người Quảng Ngãi.
Đó
là những câu chuyện kể về cuộc sống mưu sinh khổ cực của ngư dân, vật lộn với
thiên tai, bão táp, đặc biệt là phải đối diện với những tàu hải giám hiện đại,
tàu cá có vũ trang của Trung Quốc. Nhưng hơn cả, đó là tấm lòng hào hiệp, yêu
chuộng hòa bình của người dân Việt Nam. Họ bất chấp hiểm nguy để cứu người bị nạn,
bất kể đó là người Việt Nam hay người Trung Quốc. Đó còn là tinh thần hướng về
chủ quyền của Tổ quốc của những ngư dân bám biển trên những con tàu, họ hiện
lên như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa để góp phần khẳng định chủ quyền, bất chấp
bão tố. Ngoài ra còn có rất nhiều các câu chuyện khác mang tính nhân văn sâu sắc
kể về những ngư dân giúp đỡ nhau khi ra Hoàng Sa mưu sinh.
4.
Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên
hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa / Đinh Kim Phúc chủ biên … và những người
khác.- Hà Nội : Tri thức, 2010. – 150 tr. ; 19 cm.
Chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi dân tộc. Biên giới của
mỗi quốc gia là biểu hiện của nền độc lập dân tộc bất khả xâm phạm của mỗi quốc
gia đó. Quốc gia bao hàm ba vấn đề lớn: dân tộc, chủ quyền và lãnh thổ. Biên giới
luôn luôn gắn liền với lãnh thổ nên luật pháp và tập quán quốc tế thừa nhận
tính bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia. Do đó, việc bảo vệ biên giới cũng
chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chống lại mọi hình thức ngoại xâm. Cuốn sách
“Chủ
quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa” sẽ giúp
cho độc giả có được những nhìn nhận sâu sắc về vấn đề này.
Việc
nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông là một việc làm vô cùng cần
thiết. Tuy còn nhiều hạn chế trong việc chưa khai thác đầy đủ nguồn tư liệu
phong phú hiện có về biển Đông, với tập sách này sẽ là khởi đầu để những ai
quan tâm, tiếp tục tìm hiểu, tạo ra một ý thức mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp
bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền cũng như ở biển đảo của dân
tộc ta.
5.
Việt Nam và tranh chấp biển Đông /
Nhiều tác giả. – Hà Nội : Tri thức, 2012. – 233 tr. ; 21 cm.
Biển
Đông nằm ở trung tâm Đông Nam Á, được bao bọc bởi nhiều quốc gia và lãnh thổ,
có thể coi đó là “mái nhà chung” của các nước ven biển và các nước sử dụng biển
Đông cho mục đích phát triển kinh tế, vận tải biển, duy trì môi trường sinh
thái biển, bảo quản các giá trị tinh thần, văn hóa, lịch sử… không chỉ cho nhân
dân khu vực Đông Nam Á, châu Á mà còn cho nhân loại toàn thế giới.
Do
Biển Đông là một kho tài nguyên to lớn nên các quốc gia và lãnh thổ xung quanh
biển Đông đều tìm cách khai thác làm giàu cho quốc gia mình. Đó là điều hoàn
toàn tự nhiên, nhưng lại dẫn đến những tranh chấp về chủ quyền trên các đảo, đá
và các rạn san hô cũng như về việc phân chia các vũng đặc quyền kinh tế và thềm
lục địa. Mâu thuẫn giữa các quốc gia chung Biển Đông có thể dẫn đến nguy cơ
xung đột vũ trang, thậm chí là chiến tranh nếu không có sự đàm phán, hòa giải,
thống nhất.
Tranh
chấp chủ quyền trên Biển Đông, sự tranh chấp lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc
là tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà hiện tại
chưa có giải pháp nào hợp lý.
Trong
bối cảnh đó, Quỹ Nghiên cứu Biển Đông trân trọng giới thiệu với độc giả cuốn
sách “Việt Nam và tranh chấp biển Đông”. Mục tiêu của cuốn sách nhằm
cung cấp cho độc giả những thông tin mới nhất về tình hình tranh chấp trên biển
Đông thông qua tập hợp các bài viết, trong đó nhấn mạnh đến chủ quyền của Việt
Nam trên biển Đông, tham vọng của Trung Quốc và các quốc gia chung Biển Đông, đồng
thời đề xuất một số giải pháp giải quyết tranh chấp. Trân trọng giới thiệu!
6. Biển Đông : quản lý
tranh chấp và định hướng giải pháp / Đặng Đình Quý, Nguyễn Minh Ngọc. - Hà Nội : Thế
giới, 2013. - 265 tr. ; 27 cm
KHPL 320.15 D182Q 2013
Biển Đông có vị trí địa chiến
lược quan trọng không chỉ đối với nước ta mà đối với cả thế giới và khu vực.
Giá trị địa chiến lược của Biển Đông và cuộc đua giành tài nguyên, ảnh hưởng ở Châu
Á - Thái Bình Dương đã làm gia tăng cọ xát và va chạm giữa các quốc gia, đặc biệt
là giữa các nước lớn. Những toan tính vị kỷ khiến tranh chấp Biển Đông ngày
càng trở nên phức tạp hơn và khó giải quyết bởi sự nghi kỵ lẫn nhau và chuỗi
hành động - phản ứng diễn ra liên tục. Việc thường xuyên đánh giá lại tình hình
để tìm ra không gian hợp tác, giảm thiểu căng thẳng, đồng thời phân tích các
khía cạnh pháp lý của vấn đề Biển Đông có thể đưa ra những gợi ý hữu ích cho việc
giải quyết tranh chấp. Đây cũng chính là nội dung trọng tâm của cuốn sách “Biển
Đông: quản lý tranh chấp và định hướng giải pháp”. Cuốn sách được chia
thành 3 chương:
Chương 1: “Những đánh giá về diễn biến tình hình Biển Đông”: cung cấp những bài viết của
các tác giả về những nét liên tục và thay đổi trong tình hình của Biển Đông năm
2012 so với các năm trước; sự thay đổi chiến thuật của Trung Quốc trên Biển
Đông.
Chương hai: “Các vấn đề pháp lý quốc tế ở Biển Đông”: tập
trung vào những vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay trên phương diện pháp lý, với
các bài viết của các học giả về những vấn đề như Biển Đông trên khía cạnh pháp
lý; phân định tranh chấp chủ quyền.
Chương ba: “Hợp
tác, quản lý và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông”: đánh giá các điều kiện, thách thức,
cơ hội cho việc hợp tác quản lý Biển Đông và thảo luận một số mô hình cụ thể.
Các bài viết của các học giả
trong cuốn sách đều chỉ ra những nguồn gốc của căng thẳng Biển Đông thời gian gần
đây, phân tích đa chiều các khía cạnh chính trị, pháp lý của vấn đề, đồng thời
nỗ lực đề xuất những lĩnh vực mà các quốc gia liên quan cần nhanh chóng triển
khai hợp tác để giảm thiểu khả năng mâu thuẫn lan ra thành xung đột, đối đầu.
Phần lớn các tác giả đều thống nhất rằng vẫn tồn tại những lợi ích chung ở Biển
Đông, vẫn còn không gian rộng mở cho hợp tác những điều quan trọng là các quốc
gia phải thể hiện ý chí chính trị hướng đến việc dàn xếp hòa bình tranh chấp, đạt
được một kết quả cùng có lợi cho tất cả các bên thay vì bị chi phối bởi tình cảm
dân tộc và những toan tính vị kỷ. Chỉ khi đó, Biển Đông mới có thể tiếp tục là
không gian phát triển hòa bình, thịnh vượng - không chỉ cho thế hệ hôm nay mà
còn các thế hệ tương lai. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi
nghiên cứu về vấn đề Biển Đông.
7. Bằng chứng lịch sử và cơ sở
pháp lý : Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam = Paracel & spratly islands belong to
Vietnam / Nhiều tác giả. - Tp. Hồ Chí Minh : Trẻ, 2011. - 359
tr. ; 23 cm.
KHPL 320.1509597 B2161C 2011
Có rất nhiều tài liệu của
Việt Nam và phương Tây khẳng định một cách rõ ràng, chắc chắn Việt
Nam đã phát hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thời Vương quốc
Chămpa và tiếp tục hành xử chủ quyền trong thế kỷ XVII.
“Bằng
chứng lịch sử và cơ sở pháp lý: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” là tựa sách nằm trong tủ sách Biển đảo Việt
Nam của Nhà xuất bản Trẻ, tập hợp các công trình nghiên cứu, bài báo cùng tư liệu
cập nhật về chủ quyền hiển nhiên, không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Đề cập tới vấn đề Trung Quốc tranh
chấp lãnh thổ với Việt Nam dưới cả góc độ lịch sử lẫn pháp lý, bố cục cuốn sách
cũng theo đó phân chia thông tin theo mỗi góc độ. Cuốn sách được chia làm ba phần:
Phần 1: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Phần 2: Hoàng Sa, Trường Sa chưa từng được ghi nhận trong lịch sử
Trung Quốc
Phần 3: Đường lưỡi bò của Trung Quốc trên biển đông – Một yêu
sách phi lý
Cuốn sách được bổ sung phần Phụ lục phong
phú, gồm các văn bản pháp quy – UNCLOS 1982, DOC 2002… một số tư liệu và điều ước,cùng
những kiến thức cơ bản về biển đảo nói
chung cũng như về hai quần đỏa Hoàng và Trường Sa nói riêng. Đặc biệt sách còn
có phần Biên niên mang tính tổng hợp, giúp người đọc hệ thống toàn bộ các sự kiện
liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này, từ bước đầu của cuộc
hành trình mở cõi của cha ông ta cho tận đến ngày nay.
8. Hoàng Sa -
Trường Sa : luận cứ & sự kiện / Đinh Kim Phúc. - Hà Nội : Thời
đại, 2012. - 263
tr. ; 24 cm.
KHPL 320.1509597
D584P 2012
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm
nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Hiện hai quần đảo đang là tâm điểm
tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông và “chủ quyền biển Đông – đặc
biệt là chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam” là vấn đề được
nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua.
Tác giả nghiên cứu
những động thái của Trung Quốc cũng như các nước đang tranh giành chủ quyền ở
vùng quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là một việc làm cần thiết; với những luận cứ
cụ thể, các bản đồ chi tiết về biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa
được vẽ bởi các nhà thám hiểm, các nhà hàng hải từ thế kỉ XIX trở về trước – sẽ
cung cấp những thông tin cơ bản về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường
Sa và vùng biển Đông của Việt Nam.
Cuốn sách gồm 4 vấn đề, được
tác giả nghiên cứu chuyên sâu : Vấn đề tên gọi Biển Đông; Từ “Bãi Cát Vàng”, “Vạn lý Trường Sa” đến
Hoàng Sa – Trường Sa ngày nay; Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam; Thử tìm một
giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Công
trình nghiên cứu có kết hợp sử dụng kết quả nghiên cứu của các chuyên gia khác
như nhà nghiên cứu cổ sử Việt Nam – Trung Quốc Phạm Hoàng Quân, nhằm tạo ra sự
trao đổi và liên kết cao hơn giữa các nhà nghiên cứu Biển Đông. Tác giả
cũng nghiên cứu nguồn tài liệu từ nhiều nước như Trung Quốc, Nhật, Pháp,
Tây Ban Nha, được đăng tải và lưu trữ tại Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa (HSO),…
9. Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa : Sách tham khảo / Monique Chemillier-Gendreau ; Nguyễn Hồng
Thao dịch. - Tái bản lần thứ 1. - Hà Nội : Chính
trị Quốc gia - Sự thật, 2011. - 342 tr. ; 24 cm.
KHPL
320.1509597 C5176M 2011
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông là lãnh thổ thiêng
liêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam qua các thời kì lịch sử đã chiến hữu và
thực thi chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này. Việc chiếm hữu và thực
thi chủ quyền này là phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, được nhiều quốc
gia, tổ chức và học giả nổi tiếng trên thế giới thừa nhận, ủng hộ.
Bà Monique Chemiller – Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học
chính trị ở trường Đại học Paris – VII – Denis Diderot, nguyên chủ tịch Hội Luật
gia dân chủ Pháp, chủ tịch Hội Luật gia châu Âu, đã viết sách nhan đề: “ Chủ
quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản
L’Harmattan Paris công bố vào tháng 3/1996. Cuốn sách là một công trình nghiên
cứu khoa học nghiêm túc và độc lập của một học giả nước ngoài. Trong đó, dưới
góc độ một luật gia quốc tế, tác giả đã phân tích lập luận của các bên liên
quan đến cuộc tranh chấp của 2 quần đảo và đưa ra những giải quyết cho vấn đề tranh
chấp phức tạp này dựa vào cơ chế giải quyết tranh chấp luật quốc tế và đặc biệt
là của Công ước của Liên hợp quốc về Luật
biển năm 1982.
Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia giới thiệu
bản dịch tiến Việt năm 1988 và tái bản lấn thứ nhất năm 2011 để đáp ứng nhu cầu
của bạn đọc trong việc tìm hiểu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo
Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như việc giải quyết tranh chấp dưới góc độ
pháp luật quốc tế. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.