3 tháng 11, 2014

GIỚI THIỆU SÁCH VỀ BIỂN ĐẢO
 
Nhằm mục đích khẳng định chủ quyền biển đảo của VN, TVTT xin giới thiệu đến các bạn đọc một số tài liệu về chủ quyền biển đảo, các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. 
Thân mời Qúy bạn đọc tham khảo sách trực tiếp tại TVTT ĐHQG-HCM.
1. Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 / Hà Nội : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2012 / 427 tr. ; 24 cm
Công ước Luật biển 1982 là hiến pháp của biển, là cơ sở pháp lý chung cho việc giải quyết các tranh chấp biển, trong đó có phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước xung quanh Biển Đông.
Sau Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Luật biển 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau chến tranh thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia ký kết và tham gia
Công ước Luật biển 1982 thực sự là một bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế bởi Công ước không chỉ bao gồm các điều khoản mang tính điều ước mà còn là văn bản pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán, Công ước Luật biển 1982 thế hiện sự thỏa hiệp mang tính toàn cầu, có tính đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới, dù là nước công nghiệp phát triển hay là nước đang phát triển... Việc phê chuẩn hoặc tham gia Công ước đòi hỏi quốc gia phải có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các điều khoản Công ước.
Theo Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển, mỗi quốc gia ven biển được phân định bao gồm 5 vùng biển: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa.
Nội dung cuốn sách "Công ước của Liên hợp quốc tế về Luật biển 1982" bao gồm văn bản chính thức của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển được ký tại Montego Bay, Jamaica vào ngày 10-12-1982 và Hiệp định về việc thực hiện Phần XI của Công ước được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 28-7-1994. Ngoài ra còn có các đoạn trích trong Văn bản cuối cùng của Hội nghị lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Tài liệu này mang lại những kiến thức nhất định cũng như giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình Biển Đông. Và ngay từ lúc này, chúng ta hãy chung tay làm thay đổi nhận thức, hành vi của toàn xã hội về tầm quan trọng từ việc tuân thủ pháp luật, pháp lý cơ bản về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường Biển và Hải đảo, pháp luật quốc tế về Biển và Hải đảo.
2. Hỏi đáp về chủ  quyền biển đảo trong luật quốc tế và pháp luật Việt Nam / Ngô Hữu Phước, Lê Đức Phương / Hà Nội : Lao động, 2011/ 443 tr. ; 28 cm


Biển và đại dương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới, nó không chỉ cung cấp cho nhân loại nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật khổng lồ phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội mà còn có vai trò to lớn trong lĩnh vực an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia và đảm bảo môi trường sống cho nhân loại.
Từ cuối thập niên 70, nước ta đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý để khẳng định và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của quốc gia. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền trên các vùng biển, đảo của mình, nước ta phải huy động tối đa các nguồn lực hiện có cũng như vận dụng linh hoạt mọi biện pháp chính trị, pháp lý, an ninh quốc phòng, trong đó tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về biển, đảo cho các cơ quan nhà nước và mỗi người dân Việt Nam là một trong những biện pháp quan trọng và cần thiết có ý nghĩa chính trị và thời sự rất lớn trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Cuốn sách “Hỏi đáp về chủ quyền biển đảo trong luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” được biên soạn nhằm cung cấp cho bạn đọc những nội dung pháp lý cơ bản nhất về luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về biển đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.  Bằng những câu hỏi - đáp ngắn gọn, súc tích, có hình ảnh, sơ đồ minh họa góp phần giúp mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao nhận thức và thắp sáng ngọn lửa của tình yêu biển, đảo quê hương. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ để mỗi công dân không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần xung kích, tình nguyện, đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước bảo vệ biên giới, hải đảo và xây dựng đất nước giàu mạnh. 
3. Pháp luật về biển và các quan điểm của Đảng, nhà nước Việt Nam về chủ quyền biển đảo / Hà Nội : Hồng Đức,  2014 / 255 tr. ; 24 cm / Tủ sách Hướng về biển, đảo Việt Nam

Vùng biển, hải đảo và ven biển nước ta là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, an ninh - quốc phòng và môi trường sống; có nhiều lợi thế phát triển và là cửa ngõ lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Chính vì thế Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chú trọng đến vấn đề về biển đảo. Đảng và Nhà nước đã đưa ra một số chính sách, giải pháp và những định hướng chiến lược nhằm đẩy mạnh việc phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, có hệ thống trong nhân dân nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí chiến lược của biển.
Cuốn sách “Pháp luật về biển và các quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về chủ quyền biển đảo” là một trong những tập sách của “Tủ sách hướng về Biển, Đảo Việt Nam” nhằm để tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta về chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia đối với biển, đảo, thềm lục địa và vùng trời của Tổ quốc, góp phần nâng cao hiểu biết, kiến thức cơ bản về giá trị của lịch sử, lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời, vùng biển Việt Nam. Cuốn sách bao gồm Pháp luật quốc tế và Việt Nam về biển; Quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về quyền biển đảo; cùng với Một số Hiệp định quan trọng có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đã ký với một số nước trong khu vực.
Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay đóng góp một phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu Luật về biển để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Translate