18 tháng 11, 2019

CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20 – 11

Mustafa Kemal Ataturk từng nói: “Người thầy giống như ngọn nến, cháy hết mình để soi đường dẫn lối cho biết bao người”. Dù bạn là ai, sinh ra ở đâu và đang làm gì trong cuộc đời của mình thì chắc hẳn bạn cũng từng ít nhất một lần được soi rọi bởi nguồn sáng tận tụy ấy. Đó chính là thầy cô, người không chỉ truyền đạt kiến thức, khơi dậy đam mê, hun đúc trong ta tình yêu nghề nghiệp mà còn là những người khiến ta trưởng thành và trở thành một người đúng nghĩa có ích cho đời và xã hội. Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thư viện Trung tâm trân trọng gửi tới quý độc giả những cuốn sách hay nhất, ý nghĩa và sâu sắc nhất như một lời tri ân và lời chúc mừng nồng nhiệt tới toàn thể quý thầy cô giáo – những người vẫn đang miệt mài trở những chuyến đò thầm lặng qua sông đưa hàng vạn, hàng triệu lớp lớp học trò của mình đến với bến bờ của thành công và hạnh phúc!

Ông giáo làng trên tầng gác mái / Nguyễn Thế Vinh.
Cuốn sách tự truyện “Ông giáo làng trên tầng gác mái”, do Nguyễn Thị Việt Hà chấp bút kể về cuộc đời đầy sóng gió từ lúc ấu thơ cho đến khi trở thành thầy giáo trường Hướng Dương của Nguyễn Thế Vinh. Lớn lên dù chỉ còn một cánh tay, do một cánh tay đã bị mất trong một tai nạn vào năm 9 tuổi nhưng Nguyễn Thế Vinh chưa bao giờ thất vọng hay bi quan, thậm chí độc giả chỉ bắt gặp một nỗi buồn thoáng qua, còn lại sau đó là tinh thần lạc quan, ý chí theo đuổi ước mơ đến tận cùng. Dù chỉ một tay, nhưng anh đã cố gắng phấn đấu học tập, làm đủ mọi nghề để mưu sinh và tốt nghiệp đại học. Dù chỉ một tay, nhưng anh đã nỗ lực học đàn guitar, lại có thể vừa đàn vừa thổi kèn harmonica điêu luyện như một nghệ sĩ thực thụ. Đặc biệt, qua tự truyện, độc giả còn thấy rằng dường như Nguyễn Thế Vinh xuất hiện trong cuộc đời này là để cống hiến, để nâng đỡ cho những số phận, hoàn cảnh kém may mắn. Đó là việc anh ngược xuôi cho việc thành lập trường Hướng Dương, tạo ra nơi ăn chốn ở, học tập mở ra con đường tương lai tốt đẹp cho những đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ và trẻ em khuyết tật. Cuốn tự truyện mang đến cho độc giả nhiều câu chuyện thú vị, cũng như những tâm tư sâu kín của tác giả. Đó là ý chí, nghị lực phi thường, không đầu hàng trước số phận của thầy giáo tài hoa Nguyễn Thế Vinh. Thông qua ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống đó của tác giả, các bạn trẻ đặc biệt là những bạn còn kém may mắn có thêm sự đồng cảm, hun đúc thêm niềm tin, sức mạnh để vươn lên sống một đời đáng sống và có ích hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Dạy học với trọn vẹn yêu thương / Patricia A. Jennings.
“Dạy học với trọn vẹn yêu thương” là một cuốn sách xuất sắc của Tiến sĩ Patricia A. Jennings trao cho người đọc một cái nhìn sâu sắc và thấu hiểu về nghề giáo, và còn tuyệt vời hơn cả cô còn cung cấp cho những người đang làm giáo dục nhiều bài tập thực hành để có thể giữ được năng lượng tỉnh thức trong giảng dạy và cả trong cuộc sống. Để việc dạy học được thành công không chỉ đòi hỏi ở người thầy, người cô cần phải có những kiến thức chuyên môn sâu rộng, kỹ năng sư phạm cũng như phương pháp dạy tối ưu, hiệu quả, việc dạy học còn cần lắm tình yêu thương và những cảm xúc tích cực lan truyền từ chính các thầy cô. “Dạy học với trọn vẹn yêu thương” cung cấp các kỹ năng để giáo viên có thể vận hành một lớp học lành mạnh và có tinh thần tương hỗ, làm tăng niềm yêu thích dạy học và nuôi dưỡng đam mê học tập của học sinh. Mỗi một chương giới thiệu một chủ đề đặc biệt trong việc áp dụng sự thức tỉnh vào dạy và học, cùng một chuỗi các hoạt động, giáo viên có thể thực hiện để thực tập và áp dụng vào việc giảng dạy của chính mình.
Câu chuyện đời tôi / Helen Keller.
“Câu chuyện đời tôi” là cuốn tự truyện Helen Keller kể về bản thân mình. Bà mất thính giác và thị giác do bạo bệnh khi 19 tháng tuổi. Suốt gần 6 năm sau đó là quãng thời gian thinh lặng tuyệt đối và đầy bóng tối với bà. Nhưng bắt đầu từ năm 7 tuổi, dưới sự hướng dẫn và tình yêu của cô giáo Anne Sullivan, bà đã nỗ lực học để có thể đọc, viết và nói được. Sự kiên quyết phấn đấu với tinh thần bền bỉ của bà trong việc truy cầu kiến thức cũng đã giúp bà bước vào giảng đường đại học và sau đó có nhiều đóng góp cho xã hội cũng như cộng đồng người khuyết tật. Thông qua cuốn sách, độc giả có thể cảm nhận được một tấm gương vượt khó phi thường đã trở thành một nhân tài của nước Mỹ và thế giới. Đó là một nhà văn, nhà hoạt động xã hội Helen Keller - một phụ nữ khuyết tật tiêu biểu đã phấn đấu suốt đời để mang lại ánh sáng văn hóa, văn minh, không chỉ cho bản thân bà mà cho tất cả những ai không may mất đi khả năng về thị giác và thính giác trên toàn thế giới, cho đến tận ngày nay và mãi mãi về sau.
Bụi phấn : tuyển chọn những câu chuyện hay nhất  / Jack Canfield, Mark Victor Hansen, Patty Hansen.
 “Bụi phấn” là một tác phẩm ghi lại những câu chuyện hay nhất, cảm động nhất về tình cảm thầy trò thiêng liêng, cao quý ấy. Qua từng câu chuyện kể lay động lòng người về tấm lòng tận tụy và trái tim yêu thương không ngừng nghỉ của các thầy cô, nhiều cuộc đời đã nhờ có những tình thương yêu vô điều kiện đó mà thay đổi, tốt hơn lên, sống một cuộc đời vẹn tròn hơn trước. Đọc tác phẩm, độc giả sẽ cảm nhận được một cách sâu sắc hơn về những bài học về làm người, về những hy sinh, vất vả một cách âm thầm, lặng lẽ của thầy cô. Vẻ đẹp trái tim và tâm hồn thầy cô lại một lần nữa được sống dậy trong vinh quang của lòng biết ơn và sự trân trọng.
Với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, cách dẫn dắt dung dị, gần gũi và đặc biệt hơn là kết thúc mỗi câu chuyện sẽ là một bài học về lòng biết ơn, tất cả đã tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn cho tác phẩm. Hãy tìm đọc “Bụi phấn” để cảm nhận cái hay, cái sâu sắc theo cách riêng của mình. Để rồi thêm trân trọng, biết ơn những tình cảm thầy trò thiêng liêng cao cả; để thêm yêu, thêm thấu hiểu tấm lòng của hàng ngàn, hàng triệu quý thầy cô vẫn đang dành tâm huyết ngày ngày vì đàn em thân yêu của mình.
Người thầy đầu tiên / Tsinghid Aitmatốp … [và những người khác].
“Người thầy đầu tiên”  là một tập truyện ngắn đã từng được độc giả Việt Nam mếm mộ trong các thập niên 60 – 70 và 80 và vẫn tiếp tục để lại âm vang, sự yêu thích trong lòng nhiều thế hệ hôm nay. Đó là các câu chuyện về những người thầy, người cô hết lòng yêu thương học trò của mình, gần như quên đi bản thân, lúc nào cũng chỉ muốn cho học trò của mình được tiến bộ, được thành đạt; và bàng bạc trong những chuyện ngắn này là những tình cảm cao thượng, lòng nhân ái, khát vọng vươn tới những giá trị chân thiện mỹ cao đẹp nhất. Cho dù ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta có thể có những thành đạt về một phương diện nào đó, có những vị trí xã hội nhất định, song dù ở bất cứ nơi nào, trong sâu thẳm tâm hồn ta vẫn sáng chói hình ảnh của những người thầy đã từng dạy dỗ, dìu dắt ta trong mỗi bước chặng đường.
Người thầy giỏi ở mọi lớp học / Viện Hàn lâm Giáo dục Quốc gia.
“Người thầy giỏi ở mọi lớp học” là một cuốn sách đúc kết những thành quả từ công trình nghiên cứu bởi Ủy ban đào tạo giáo viên thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ. Tập sách phác thảo các khái niệm và chiến lược những điều phải làm rõ trong quá trình đào tạo các giáo viên, các chính sách cần thiết để tất cả những giáo viên có thể tiếp cận với những kiến thức thiết yếu của người thầy, hơn thế để có thể trở thành những người thầy giỏi.
Tập sách mỏng nhưng chứa đựng những nội dung bổ ích và lý thú, do đó có thể xem đây là một cuốn cẩm nang thật sự cần thiết trước hết cho những giáo viên khao khát được cống hiến và thăng hoa với nghề nghiệp cao quí, trồng người của mình. Đồng thời sách cũng gợi mở, dùng làm tài liệu tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục, các trường sư phạm làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục.
Trân trọng giới thiệu!

2 nhận xét:

  1. Cô Kim Duyên ghép hình 2 đẹp lung linh hơn cả hình 1 í nhỉ! Hay là lâu lâu thay đổi cách đưa hình lên thấy đẹp hơn hẳn he!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. KKK... không dám lung linh hơn nhưng được bạn í yêu cầu hợp lý nên phải làm thôi ^^

      Xóa

Translate